Màu sắc thương hiệu

P2: Quản trị màu sắc nhận diện

longpazo - 05/10/2021

PHẦN 2:

Quản trị màu sắc nhận diện

Trong thị trường cạnh tranh gay gắt, một yếu tố nhận diện thôi là chưa đủ. Tuy không phải là một biểu tượng đặc trưng và duy nhất như logo, màu sắc là trợ thủ đắc lực góp phần tạo nên ấn tượng về cảm xúc cho khách hàng. Màu sắc cũng là yếu tố bổ trợ cho thương hiệu trong quá trình ghi dấu nhận diện. Chính bởi tính đơn giản mà việc quản trị màu sắc đặt ra cho tôi và bạn những câu hỏi cần giải đáp.

Khắc ghi ấn tượng về màu sắc thương hiệu

Màu sắc gợi nhắc về thương hiệu của bạn khi và chỉ khi nó tạo được sự liên kết với tâm trí người dùng. Liên kết có được là kết quả của quá trình liên tục xuất hiện, lặp đi lặp lại một cách nhất quán. Nếu như tính phân cấp giúp cho nội dung hiển thị một cách rõ ràng và khả năng nhấn mạnh vào nội dung thông tin quan trọng thì tính lặp lại lại giúp khắc ghi ấn tượng đó, giúp họ dễ dàng hình dung về thông điệp hơn.

Mỗi ngày bạn nhìn thấy bao nhiêu quảng cáo của một thương hiệu? Sẽ ra sao khi mỗi lần bạn lại nhìn thấy thương hiệu đó với một màu khác nhau, lúc xanh, lúc đỏ, khi lại vàng? Việc lặp đi lặp mang tới sự nhất quán tự nhiên – đó là một nỗ lực có ý thức để thống nhất nhận diện về thương hiệu. Có thể khách hàng sẽ không thể ý thức được sự xuất hiện của bạn sau một vài lần đầu tiền, nhưng tin tôi đi, đến một thời điểm nào đó, cá tính của bạn sẽ theo màu sắc vô thức bước vào nhận thức người dùng.

Bạn hình dung về những thương hiệu nào khi nhìn các ô màu sau:

Đảm bảo sự chính xác của thông số màu

Như tôi đã chia sẻ, mỗi hệ màu hình thành bởi các màu khác nhau và bất cứ sự thay đổi nào trong tỉ lệ hòa trộn những màu này cũng tạo ra một màu khác. Tất nhiên “màu khác” này không phải lúc nào cũng có thể phân biệt bởi mắt thường nếu chênh lệch tỉ lệ không quá lớn. Phải hiểu rằng, kể cả khi bản đề xuất sản phẩm của thiết kế có quy định cụ thể và chi tiết các thông số màu đến đâu thì sai số vẫn xảy ra. Sai số xảy ra ở đâu nếu bạn đã tuân thủ nghiêm ngặt các thông số? Thứ nhất, cảm nhận bằng mắt thường của mỗi người là khác nhau. Khả năng thị lực khác nhau dẫn tới sai lệch trong trải nghiệm màu sắc. Nhưng mối lo ngại thường xuyên nhất đến từ máy tính cá nhân hiển thị. Do mỗi máy tính được điều chỉnh mức độ hiển thị khác nhau, máy ngả xanh, máy ngả vàng, máy thì nhìn màu hơi rực… điều này được quy định bởi nhà sản xuất nên đôi khi nhận về sản phẩm, màu sắc nhìn thấy không thực sự chính xác. Thứ hai, từ các yếu tố khách quan: chất lượng giấy in, máy in, nhà in, mực in, điều kiện in ấn hay kinh nghiệm xử lý file của người in ấn.. mà sản phẩm khi hiện thực hóa từ bản thiết kế xảy ra chênh lệch màu sắc là không tránh khỏi. Đôi khi chênh lệch này làm biến màu khác hẳn so với bản màu trên máy tính.

Bởi chênh lệch có thể xảy ra ngay cả khi bạn đã áp dụng chính xác các thông số cung cấp bởi thiết kế nên việc đầu tiên cần phải làm để hạn chế tối đa sai sót phải là dùng đúng. Tiếp đó, dùng đúng nhưng đừng quá cứng nhắc. Bởi màu “đúng” được đo lường trên sản phẩm sau khi in ấn, sử dụng, thế nên, việc kiểm soát kĩ lưỡng trong quy trình in ấn, áp dụng để điều chỉnh các thông số cho đúng nhất với màu trong bản thiết kế là rất cần thiết.

Lựa chọn hệ màu nào cho thiết kế phụ thuộc vào nền tảng mà bạn quyết định sẽ ứng dụng nó sau khi có sản phẩm hoàn thiện, điều này đảm bảo sự chênh lệch màu sắc giữa hình ảnh trên phần mềm thiết kế với sản phẩm trong thực tế là nhỏ nhất. Tuy rằng có cơ chế chuyển đổi giữa các hệ màu khác nhau nhưng việc sử dụng sai hệ màu trên các nền tảng ứng dụng (VD như sản phẩm hiển thị trên màn hình, website nhưng lại sử dụng hệ màu CMYK) sẽ khiến màu hiển thị không chính xác. Hiểu về hệ màu giúp các bạn chủ động kiểm định được sản phẩm thiết kế, đảm bảo chúng luôn được hiển thị với chất lượng cao nhất. Ví dụ dưới đây, chúng tôi áp dụng hai hệ màu RGB và CMYK trên cùng một sản phẩm. Hãy thử xem sản phẩm in ấn trên tay bạn sẽ hiển thị hai hệ màu này khác nhau như thế nào?

Tranh chấp màu sắc với đối thủ cạnh tranh

Tranh chấp màu sắc với đối thủ cạnh tranh, nếu như logo có thể bảo hộ và đăng kí quyền sở hữu trí tuệ, bạn không thể làm như vậy với màu sắc khi nó đứng độc lập một mình, tức là không được sử dụng trên yếu tố đồ họa nào khác.Vậy làm thế nào để bạn có thể tối ưu hóa màu nhận diện của mình? Liệu khách hàng có nhầm lẫn bạn giữa những thương hiệu xung quanh? Cùng Pazo Design tìm khai phá ngay thôi!

Có rất nhiều thương hiệu có cùng chung một màu sắc nhận diện, đặc biệt là những thương hiệu thuộc cùng một ngành hàng đặc thù. Rất dễ nhận ra quy luật chung, rằng ngành hàng đồ ăn nhanh thường lựa chọn tone màu nóng như đỏ hoặc vàng bởi những sắc màu này có khả năng kích thích vị giác hay nhãn hiệu nước tinh khiết lựa chọn màu trắng hoặc xanh. 

Để yếu tố nhận diện về màu được mạnh mẽ và không bị lầm lẫn với các nhãn hàng khác, rất đơn giản, hãy lựa chọn các phương án để khiến thương hiệu trở nên khác biệt. Một phương án đơn giản đó là điều chỉnh lại thông số màu. Bạn có thể cân nhắc tới thông số màu để điều chỉnh thành một màu riêng cho thương hiệu của bạn mà vẫn không tạo sự thay đổi quá nhiều về nhận diện.  Như hai thương hiệu DOO Entertainment và Defi Media , cùng chung một ngành kinh doanh và có cùng màu xanh dương làm màu nhận diện. Nhưng thông số màu chính là điểm tạo nên khác biệt cho hai thương hiệu.

Một giải pháp khác thương hiệu có thể lựa chọn, đó là sử dụng các màu thứ cấp đi cùng với màu nhận diện chính để không bị hoà lẫn với đối thủ. Việc phối hợp giữa các màu sắc khác nhau, sẽ tạo nên những cảm nhận rất khác so với một màu nguyên bản. Bên cạnh đó, việc ứng dụng màu thứ cấp cũng tạo nên một cảm giác mới mẻ và ứng dụng đa dạng hơn so với chỉ sử dụng duy nhất một màu cho thương hiệu.

Nếu không muốn có sự thay đổi về màu, thương hiệu có thể lựa chọn một yếu tố nhận diện đi kèm như logo, họa tiết, ngay cả một phong cách ảnh khác biệt đi kèm với màu. Ngoài ra có thể sử dụng kết hợp với hình ảnh, mỗi thương hiệu hãy tự tạo ra một câu chuyện một hình ảnh riêng, khác biệt để nói lên màu sắc thương hiệu. Từ đó tạo được một dấu ấn khác biệt và dễ đi vào tâm trí khách hàng.

Thường thì mỗi thị trường sản phẩm sẽ có một màu sắc đặc thù riêng như khi bạn muốn dùng màu hồng để nói về sự dịu dàng nữ tính…Vẫn không sai nếu thương hiệu của bạn muốn đi ngược dòng, như  việc bạn cung cấp sản phẩm rau sạch hay nước tinh khiết mà không sử dụng tone màu xanh, Nhưng chắc chắn, bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn để thuyết phục thị trường về thứ mà bạn muốn họ cảm nhận về mình.

Màu sắc và lăng kính văn hóa

Màu sắc thương hiệu nên cố định, để khách hàng có đủ thời gian ghi nhớ và gắn chặt màu sắc đó với đặc tính thương hiệu. Điều đó đúng, nhưng chưa đủ. Sự phù hợp với bối cảnh là nhân tố quyết định màu sắc có thành công được hay không. Việc liên tục thẩm định và lắng nghe từ thị trường là một trong những công việc không thể bỏ sót. Trong rất nhiều cách để truyền tải với thị trường về điều đó, thì Pazo Design thấy thay đổi màu sắc là một trong những cách thuận tiện nhất. 

Màu sắc và lăng kính văn hóa- Sự cố mà thương hiệu hay vấp phải. Hãy đặt màu sắc vào đúng bối cảnh văn hóa, hãy thật am hiểu về quan niệm và tập tính của vùng miền trước khi lựa chọn màu nhận diện. Xét cho cùng, điều quan trọng nhất không phải truyền đạt cho một người cái gì, mà là liệu người ta có chấp nhận thứ mình chia sẻ hay không. Để việc truyền thông không xảy ra “tác dụng phụ”, đừng quên cẩn trọng với văn hóa vùng miền. 

Lấy màu đỏ làm ví dụ, theo nghiên cứu khoa học màu đỏ có khả năng kích thích tuyến yên, làm tăng nhịp đập của tim và khiến cho người ta thở gấp. Phản ứng nội tạng của cơ thể khi tiếp xúc màu đỏ khiến cho chúng ta cảm thấy năng nổ, mạnh mẽ, kích thích. Chính vì lý do đó, các quán ăn nhanh như KFC, McDonald’s thường chọn màu đỏ. Thế nhưng, trong văn hóa của người Ấn Độ, màu đỏ thể hiện quyền lực còn ở Nam Phi, nó khiến người ta liên tưởng nhiều đến sự chết chóc. Ở Thái Lan lại khác, mỗi ngày trong tuần được chỉ định một màu sắc cụ thể tương ứng với một vị thần đặc biệt, màu đỏ là màu của ngày Chủ Nhật – đại diện cho thần Mặt trời Surya. Ở Trung Quốc hay Việt Nam, màu đỏ từ lâu đã là biểu tượng của sự may mắn, tiền tài, hạnh phúc.

Sự giao thoa văn hóa khiến cho màu sắc bớt đi tính cá biệt thế nhưng sẽ không là thừa nếu bạn nghiên cứu thị trường, nghiên cứu văn hóa vùng miền thật kĩ trước khi quyết định mở rộng kinh doanh. Phải mất rất lâu để giáo dục thị trường mà đặc biệt lại là giáo dục về vấn đề văn hóa – thứ đã ăn sâu bám rễ vào suy nghĩ – nếp sống mỗi người. Thế nên sẽ là khôn ngoan hơn nếu biết cách lựa theo văn hóa để ứng xử.

PHẦN1: MÀU SẮC TRỢ THỦ ĐẮC LỰC CỦA THƯƠNG HIỆU

PHẦN 3: Ý NGHĨA CÁC MÀU SẮC PHONG THỦY TRONG THIẾT KẾ LOGO

BÍ KÍP QUẢN TRỊ

Màu của thương hiệu có thể là một màu, một cặp màu hay một dải nhiều màu được lựa chọn dựa trên cá tính, cảm xúc và định vị thương hiệu muốn thể hiện. Người làm Marketing và quản trị thương hiệu cần nắm bắt màu nhận diện, thông số màu cũng như sự khác biệt trong sử dụng màu nhận diện của thương hiệu. Một số chú ý khi quản trị màu sắc nhận diện bao gồm:

1. Xác định rõ màu của thương hiệu và duy trì sự xuất hiện màu sắc thương hiệu tại các điểm chạm.

2. Luôn rà soát các thông số màu. Điều này sẽ giúp thương hiệu tạo nên được sự nhận diện và khác biệt đối với các thương hiệu khác.

3. Đảm bảo quy chuẩn kết hợp màu chính, màu bổ trợ nhằm duy trì được cảm giác nhất quán.

4. Ứng dụng hệ màu phù hợp cho các nền tảng để đảm bảo màu hiển thị chính xác.

5. Luôn quan sát, đánh giá về tác động của màu sắc nhận diện tới cảm nhận về thương hiệu để có sự điều chỉnh khi cần thiết.

Nguồn sưu tầm – Rio

Hãy bắt đầu với dự án của bạn ngay !

BẠN MUỐN TÌM HIỂU THÊM CÁC BÀI VIẾT CÓ LIÊN QUAN
Ấn phẩm truyền thông
Ảnh
Bao bì
Báo cáo thường niên
Bao lì xì
Bí ẩn thương hiệu
Bí mật về thương hiệu
Bộ nhận diện
bộ salekit
cách tạo slogan ấn tượng
catalogue
Câu chuyện doanh nghiệp
Chữ thương hiệu
Đăng ký bảo hộ
Đặt tên thương hiệu
giá trị cốt lõi
Hệ thống nhận diện thương hiệu
Khác biệt doanh nghiệp
Lịch sử nghệ thuật hiện đại
Logo
lookbook
Màu sắc thương hiệu
Nhận diện
Phân tích khách hàng và đối thủ
Phong cách TK
Profile
Quản trị thương hiệu
slogan
Sticker
swot
tài liệu thuyết trình
Tầm nhìn sứ mệnh
Tem nhãn
Thank card
thiệp
Thương hiệu
Thương hiệu là gì ?
Tờ rơi tờ gấp
Tra cứu bảo hộ nhãn hiệu
Trải nghiệm thương hiệu cảm tính và lý tính
Typo
Vé mời
Voucher