Chữ nói gì về thương hiệu phần 2
Về cơ bản, Gấu Pazo sẽ giới thiệu 4 dạng kiểu chữ thể hiện các tính chất khác nhau. Chính những đặc tính của chữ là lý do các thương hiệu có sự lựa chọn khác biệt cho riêng mình, trong phần này Pazo Design sẽ đề cập và tập trung về mối gắn kết giữa chữ và tính cách thương hiệu, cũng như cách thương hiệu có thể sử dụng chữ để đảm bảo tính nhận diện.
Sans serif typeface – Chữ không chân
Các kiểu chữ không chân mang tới trải nghiệm đọc tốt, và cảm nhận về sự hiện đại, năng động. Với hiệu quả hiển thị tốt cho màn hình có độ phân giải thấp, chữ không chân mang tới sự phân biệt giữa các chữ cái rõ ràng, điều mà chữ có chân không thể hiện được, đặc biệt là ở các kích cỡ văn bản.
Chính nhờ những đặc tính đó mà các thương hiệu về công nghệ hay xây dựng thường lựa chọn kiểu chữ không chân để miêu tả tính hiện đại của mình, tiêu biểu như Facebook hay Apple. Đối với Apple, dù trong suốt quá trình hoạt mặc dù có nhiều sự thay đổi về kiểu chữ nhận diện nhưng tất cả các kiểu chữ được lựa chọn đều là không chân, từ Myriad Pro, Helvetica Neue tới New Sanfrancisco. Kiểu chữ nhận diện được Apple áp dụng hiệu quả không chỉ với việc xây dựng thương hiệu mà còn đồng nhất trên các nội dung gắn liền với thương hiệu, trên các nền tảng của Apple: Apple Watch, Iphone, Ipad và Mac, từ sản phẩm, bao bì tới website, các sản phẩm truyền thông.
Serif type face – Chữ có chân
Chữ có chân là chữ có gạch hoặc đuôi trong kết thúc nét của chữ cái, số hoặc biểu tượng. Chữ có chân thường được sử dụng để thể hiện cho tính vững chắc, truyền thống, cổ điển, cộng thêm cảm giác về sự thanh lịch. Đặc biệt, chữ có chân thể hiện rất tốt trên các nội dung in ấn, chính bởi vậy chữ có chân thường được các thương hiệu về thời trang hoặc các tạp chí lựa chọn.
Hand writing typeface – Chữ viết tay
Chữ viết tay được ra đời nhằm mục đích mang tới cảm nhận tự nhiên của nét viết tay. Kiểu chữ này mang tới cho người xem cảm giác thân thiện, hơi hoài cổ. Nó truyền đạt cảm xúc, đặc biệt với những điều mà dường như thương hiệu đang muốn thủ thỉ tâm tình với riêng khách hàng. Chính bởi đặc điểm này, chữ viết tay thường được các thương hiệu mang tính chất thủ công hoặc sự tỉ mỉ lựa chọn. Tuy vậy, vì tính chất tạo hình khá phức tạp với nhiều đường nét cách điệu được kéo dài, chữ viết tay thường được ứng dụng với vai trò điểm nhấn trong chữ biểu tượng, hoặc truyền tải các thông điệp ngắn trong chữ tiêu đề và khẩu hiệu.
Decorative typeface – Chữ trang trí
Kiểu chữ trang trí ra đời để phục vụ mục đích gây sự chú ý. Chúng thường có nhiều điểm biến tấu và chỉ nên sử dụng điều độ, với mục đích cụ thể để đạt hiệu quả cao nhất. Chính bởi lý do đó, chữ trang trí thường được sử dụng để làm điểm nhấn cho chữ biểu tượng của logo, với các điểm biến tấu để thể hiện ý nghĩa và tính cách truyền tải của thương hiệu, chứ hiếm khi được sử dụng cho chữ nội dung.
Trong thực tế, các thương hiệu có thể sử dụng nhiều kiểu chữ khác nhau, tuy nhiên các kiểu chữ này phải được lựa chọn cẩn trọng và sử dụng hợp lí để đảm bảo tính phối hợp ăn ý, cùng truyền tải tính chất, thông điệp của thương hiệu một cách đồng nhất. Ngay như ví dụ về Coca Cola , mặc dù chữ biểu tượng thương hiệu sử dụng kiểu chữ trang trí, nhưng để đảm bảo trải nghiệm đọc, Coca Cola vẫn phối hợp cùng kiểu chữ không chân năng động cho chữ nội dung của các ấn phẩm.